20/01/2025

Có nên gọi hồn để biết hương linh đã siêu thoát hay chưa?

Bạn Lệ Thu thân mến!

Theo quan điểm Phật giáo (Bắc tông), một người sau khi chết có thể lập tức tái sanh (đối với người tạo nghiệp cực thiện hay cực ác) hoặc trải qua giai đoạn trung gian từ 1 đến 49 ngày rồi tùy theo nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ứng. Trừ những trường hợp đặc biệt chết do đột tử, bất đắc kỳ tử thường gọi là chết oan, còn lại đa phần sau 49 ngày các hương linh đều theo nghiệp tái sanh.

Khi thần thức đã theo nghiệp tái sanh vào một cảnh giới tương ứng rồi, tất nhiên phải chịu thọ báo (tốt hoặc xấu) ở trong cảnh giới ấy. Cho đến khi mãn nghiệp ở cõi ấy, nếu không có duyên lành tu tập giải thoát, thì thần thức lại theo nghiệp tái sanh vào một cõi khác. Cứ thế, chúng sanh luân hồi trong ba cõi sáu đường không cùng tận.

Theo giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện v.v… chỉ trợ duyên, ảnh hưởng tốt đến hương linh được phần nào thôi chứ không can thiệp sâu vào khuynh hướng tái sanh của họ. Vì mỗi người đều phải ‘thừa tự’ nghiệp lực của chính mình. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện. Không ai có thể cứu vớt chúng ta ngoại trừ những nỗ lực tu tập của chính chúng ta. Thế Tôn đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”.

Do vậy, không nên nhờ các nhà ngoại cảm gọi hồn người thân đã mất. Giả sử gọi được và gọi đúng người thân thì chúng ta cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Vì giải thoát khổ đau phải do tự thân mỗi người thực hiện. Đó là chưa kể đến các trường hợp gọi không được hoặc gọi không đúng thì càng làm cho vấn đề phức tạp thêm. Các “hương linh” tiếp xúc với nhà ngoại cảm hầu hết là những chúng sanh trong loài ngạ quỷ (quỷ thần) và một số các thần thức chưa tìm được cảnh giới thọ sanh. Điều này chúng ta cần hết sức lưu ý vì giáo lý đạo Phật không đề cập đến cõi âm mà chỉ nói đến lục đạo (trời, a-tu -a, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục) cùng thân trung ấm (thân trung gian sau khi chết mà chưa hội đủ duyên để tái sanh). Do đó, nếu các hương linh tiếp xúc với nhà ngoại cảm thì chắc chắn họ chưa giải thoát, có thể họ đã tái sanh vào ngạ quỷ (loài đông nhất trong lục đạo, sống gần gũi và có thể giao tiếp, thọ hưởng vật thực loài người dâng cúng).

Theo Phật giáo, sự vãng sanh hay siêu thoát cốt yếu do sự tỉnh thức và chuyển hóa của hương linh. Không có các đấng siêu nhiên hay bất cứ thế lực nào có thể làm giúp được.


Đối với vấn đề các hương linh đã siêu thoát thì có về nơi thờ tự không? Ở đây, chúng ta cần bàn thêm về ý nghĩa siêu thoát. Siêu là vượt lên, thoát là ra khỏi. Vãng sanh về Tây phương Cực lạc (hay các cõi Phật khác) hoặc sanh lên các cõi lành (thoát khỏi cảnh khổ ác đạo) chính là ý nghĩa siêu thoát. Trong quan niệm dân gian của đa phần người Việt (ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa), bàn thờ gia tiên là nơi ngự tọa của ông bà cha mẹ sau khi quá vãng. Sự thật không phải như vậy. Theo Phật giáo, con người sau khi chết theo nghiệp tái sanh trong lục đạo chứ không ở trên bàn thờ. Người Phật tử lập bàn thờ để tưởng nhớ, tri ân và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ quá vãng chứ không phải là thiết lập nơi tọa ngự cho chư vị.

Theo Phật giáo, sự vãng sanh hay siêu thoát cốt yếu do sự tỉnh thức và chuyển hóa của hương linh. Không có các đấng siêu nhiên hay bất cứ thế lực nào có thể làm giúp được. Đức Phật cũng chỉ là đạo sư, bậc thầy chỉ đường. Đi đến đích hay không là nhiệm vụ của chúng ta. Cũng vậy, siêu thoát hay không là do chính nỗ lực giác ngộ của hương linh. Mặc dù những trợ duyên như tha lực của Phật và các vị Bồ-tát, sự hộ niệm của chư Tăng, sự thành tâm tạo phước của thân nhân… là vô cùng cần thiết nhưng không phải là tác nhân chính cho việc thành tựu siêu thoát. Ví như các phạm nhân đang thụ án trong trại giam, chỉ khi nào tự thân họ biết sám hối ăn năn và cải tạo tốt mới có thể mong ngày hưởng ân xá, khoan hồng. Còn người thân dù yêu thương hay có điều kiện đến mấy quyết lo cho phạm nhân mà tự thân phạm nhân ấy không tỉnh thức, cứ liên tục sai phạm thì khó cứu.

Do vậy, khi người thân mất đi, trách nhiệm của chúng ta là tận tâm dốc lòng cầu nguyện và tạo phước để hồi hướng, mong họ siêu thoát. Còn siêu thoát hay không là do sự tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, thân nhân chỉ trợ duyên mà không thể can thiệp được. Cho nên, không cần gọi hồn, triệu hồn, cầu hồn hay các phương pháp tương tự vì không mang đến lợi ích thiết thực cho hương linh và chỉ tốn kém, gây lo lắng hoang mang thêm cho thân nhân.

Trong bối cảnh cầu cúng mang sắc thái thần quyền đang nở rộ hiện nay, người Phật tử cần thiết lập chánh kiến trong việc thờ cúng để khỏi rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin trước

Băn khoăn của người mới đi chùa

Tin tiếp

Sinh từ đâu đến, chết sẽ về đâu?