10/01/2024

Chiếc bè để vượt sông

"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp Cô Độc.

- Ta thường nói cho các thầy nghe về thí dụ chiếc bè như thế nào, để các thầy biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ.

- Ví như, con nước từ núi đổ xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi nhiều thứ. Ở khoảng giữa đó không có thuyền, bè, cũng không có cầu ngang. Một người đi đến, có việc ở bờ bên kia nên cần phải qua… Rồi người ấy tự suy nghĩ, ‘Nay ở bên này, ta hãy góp nhặt cỏ, cây, cột lại làm bè để bơi qua’.

Người ấy bèn ở bên bờ bên này, góp nhặt cỏ cây, cột lại làm bè rồi bơi qua. Đến bờ bên kia được yên ổn, rồi tự nghĩ rằng, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích. Nhờ nó mà ta đã yên ổn bơi từ bờ bên kia đến bờ bên này. Nay ta hãy vác nó lên vai phải hoặc đội trên đầu mà đi’. Người ấy bèn vác lên vai phải, hoặc trên đầu mà mang đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có lợi ích gì đối với chiếc bè không?

Các Tỳ-kheo đáp: Bạch Thế Tôn, không.

Thế Tôn lại nói:

- Người ấy phải làm thế nào mới có thể có lợi ích đối với chiếc bè? Người ấy mang chiếc bè này thả lại trong nước, hoặc để nó bên bờ rồi bỏ đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có thể có lợi ích đối với chiếc bè chăng?

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp: Bạch Thế Tôn, có.

Thế Tôn lại nói:

- Cũng vậy, Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè là để cho các ngươi biết mà xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ. Nếu các ngươi biết Ta thường nói thí dụ về chiếc bè, đối với Pháp còn phải xả bỏ huống là phi pháp chăng?".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh A-lê-tra, số 200 [trích])

Dùng bè để qua sông, qua sông rồi thì bỏ bè là thí dụ nổi tiếng về pháp phương tiện trong kinh Phật. Chiếc bè và bờ kia, phương tiện và cứu cánh, tục đế và chân đế là hai lĩnh vực khác nhau nhưng lại có liên quan mật thiết với nhau. Trong sự tu tập vượt sông sinh tử cũng vậy, mỗi người tùy duyên mà chọn một chiếc bè phù hợp để đến bờ kia an toàn.

Chọn một chiếc bè tốt là nương tựa Chánh pháp, loại bỏ phi pháp. Đây là công đoạn quan trọng, nếu không có bè tốt thì dễ hư nát, vụn vỡ, tan tác giữa dòng. Những ai có duyên lành, chọn được chiếc bè Chánh pháp thì hãy bám chặt để sang sông. Chưa đến bờ kia mà bỏ bè ắt bị chìm nghỉm.

Khi đã đến bờ kia, chiếc bè cần được trao lại cho người khác đang cần. Bấy giờ, chiếc bè vẫn còn nguyên giá trị cho người muốn vượt sông nhưng đối với người đã lên bờ thì cần biết ơn chiếc bè rồi buông bỏ. Đây là ứng xử đầy tuệ giác để thực sự thong dong, giải thoát trọn vẹn.

Con đường giải thoát chính là buông bỏ đến tận cùng. Mượn bè Chánh pháp để vượt sông sinh tử nhưng muốn lên bờ cũng cần xả buông. Chính xác là không bỏ bè thì chưa thực sự lên bờ. Mọi chấp thủ dù nhỏ nhất cũng chướng ngại sự giải thoát. Bậc đã vượt bờ, tuệ giác luôn thấy rõ các pháp phương tiện, không chấp thủ vào bất cứ điều gì, sống tùy duyên thuận pháp, làm lợi ích chúng sinh.

Tin trước

Như Lai là thầy chỉ đường

Tin tiếp

Những người thầy tôn kính