13/06/2024

Cả đời niệm Phật và khuyến tấn người thân niệm Phật, cụ ông tự tại vãng sanh

Ông Trần Văn Cón sinh năm 1923. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Ba, thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Bảy. Ông có cả thảy là sáu anh chị em và ông đứng thứ Sáu trong gia đình.

Chỗ ở di dời nhiều lần: Xẻo Cách, Xẻo Ổi, cuối cùng định cư tại Kinh Mới thuộc ấp Thạnh Hưng I, xã Trung Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ.

Năm 20 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Thập, sinh được hai trai, năm gái, nghề nghiệp là làm ruộng.

Tính tình ông chất phác, hiền từ, cần mẫn, nhẫn nhường, chưa từng nóng giận. Khi con cháu trong nhà có lỡ lầm, ông khuyên nhắc chỉ dạy bằng lời lẽ dịu ngọt từ hòa, đối với xóm riềng chưa hề mất lòng một ai. Vì thế, ông được mọi người kính mến.

Ông biết đến Phật Pháp rất sớm, ăn chay mỗi tháng sáu ngày, mỗi năm ba tháng và ngồi niệm Phật 30 phút sau mỗi thời lễ bái sáng chiều.

Tháng 6 năm 1987, qua một cơn bịnh nặng, nhằm ngày mùng 2 thấy ông vẫn còn dùng chay, bà vợ liền hỏi:

- “Bữa nay không phải ngày chay, sao ông vẫn còn ăn?”

Ông đáp:

- “Tui đã quyết định dùng trường chay rồi!”

Từ ấy trở đi, ông càng tin sâu vào bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ:

“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,

Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

Chồng cản trở không cho ăn chay, cụ bà nhẫn nhục tu hành biết trước ngày vãng sanh

Ông thường khuyên nhủ mọi người cố gắng làm lành lánh dữ, chăm lo niệm Phật trong mọi oai nghi: “Đi đứng nằm ngồi không đợi gì thời khắc”. Thêm vào đó là phải:

“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Nhớ từ bi hai chữ ngâm nga,

Dầu làm lụng cũng là trì chí.”

Thật hành như vậy kiên trì đừng lui sụt tất sẽ đạt kết quả chắc chắn sẽ vãng sanh.

Kể từ lúc phát tâm trường chay, công phu của ông tăng lên ba thời trong ngày, thời gian ngồi niệm Phật cũng tăng gấp đôi. Ông rất thường đọc sách nhưng chuyên nhứt quyển “Khuyến Thiện” và quyển “Cách Tu Hiền Và Sự Ăn Ở Của Một Người Bổn Đạo”. Đặc biệt là ông đọc tới đâu làm tới đó và khuyên bảo mọi người cùng làm. Có lần nọ, ông ra vườn, thấy có người lén đốn chuối, ông âm thầm núp kín, chờ họ vác đi rồi ông mới quay vào nhà.

Ông có cô con gái thứ Năm, sống độc thân chuyên tu ở cốc gần bên nhà, mỗi tối hay qua ngồi gần chiếc võng ở nhà trước hàng ba mà ông đang nằm. Ông thường nói:

- “Con ráng lo tu hiền, niệm Phật quyết định chắc chắn được vãng sanh. Cả đời ba lo làm ăn xem kinh sách ít hơn con...Ba thấy con cái gì con cũng được, chỉ còn một chút xíu chưa được!”

Cô Năm hỏi:

- “Còn cái gì chưa được, thưa Ba?”

Ông đáp:

- “Còn nóng quá! Con ráng nguội lạnh lại. Nóng giận dễ thất bại lắm con ơi!”

Cô nói:

- “Mình tu thì mình phải ráng khắc phục! Trời sanh bản tánh con như vậy, để con sửa từ từ, chớ dứt một lần một, con làm hổng có nổi!”

Quả thật, tai hại của sân giận vô cùng ghê gớm “đốn củi ba năm đốt một giờ”. Cổ Đức đã từng bảo:

“Lửa trong tâm chẳng đốt mà lừng.

Nổi lôi đình đâu có định chừng,

Cho ta biết mà toan giữ trước.

Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,

Nên loài người ở cõi thế gian.

Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,

Mới có cuộc tranh tài đấu lực.

Hơn tự đắc, khoe khoang dõng sức,

Phải bị người hiềm khích ghét ganh.

Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,

Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.

Trong cơn giận kể gì nhơn đạo,

Tỷ như con cọp dữ trên rừng.

Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng,

Phân từ mảnh mới là thỏa dạ.

Diệt được nó tâm trần thong thả,

Ta thường nên tập tánh khoan dung.

Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,

Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.

Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,

Khỏi mất lòng tất cả mọi người.

Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,

Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.

Nay ta đã quy y cầu Đạo,

Gây gổ là trái thuyết từ bi.”

Công phu hằng ngày của ông âm thầm và đều đặn trải suốt mười năm không lúc tạm dừng. Ông rất ít giao tiếp, ít đi lại, chuyên cần chí tâm trì niệm. Thỉnh thoảng, cũng có khuyến tấn về Tịnh Độ cho một số bà con ở Bắc Vàng hoặc các bạn đạo thân quen.

Vào tháng chạp năm 1996 ông nhiễm bệnh nặng, được bác sĩ Bệnh Viện Đa Khoa An Giang chẩn đoán là “Ung thư gan”, không còn chữa trị kịp nữa và không cho nhập viện. Còn nói mạng sống của ông chỉ còn một tuần nữa thôi.

Thân nhân liền đưa ông về nhà đặt bàn cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện, có người đề nghị nên đưa ông đi Bệnh Viện Thanh Bình ở Bắc Năng Gù vì nơi đó chuyên trị về gan. Gia đình bèn y theo.

Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ

Chiều ngày 15 tháng 12 năm 1996, đến nơi lương y khám bệnh xong cũng xác định là ung thư gan, và cũng không cho nằm viện. Người rể thứ Tư của ông năn nỉ và yêu cầu xin nghỉ tạm nơi đây qua đêm vì đường xá quá xa xôi, trời đã tối không còn về kịp. Đồng thời, uống thuốc may ra có thuyên giảm hay không.

Sáng hôm sau, bệnh ông có phần thuyên giảm, thế là ông được nằm viện. Mười ngày sau, thầy thuốc cho về vì thấy ông đã đỡ rất nhiều, mang thuốc về sắc uống tiếp.

Trong thời gian này sự dụng công của ông càng thêm khẩn thiết. Đau ít thì ông niệm Phật thầm, đau nhiều thì ông niệm ra tiếng, càng đau dữ dội chừng nào thì ông càng niệm lớn chừng nấy. Vì thế, người nhà muốn biết ông đau nhiều hay đau ít thì chỉ cần theo dõi tiếng niệm Phật của ông là biết ngay.

Mãi uống thuốc cầm cự dần dần khỏe ra, lúc này ông có thể đi thăm ruộng được. Đặc biệt là ông cứ châm hẩm lo niệm Phật, ít nói chuyện, trừ những lúc khuyên nhắc các con cố gắng tu hành, hoặc khi bàn luận Phật Pháp với chư bạn đạo.

Đến cuối tháng 7 năm 1997 bệnh trở nặng, uống thuốc không còn hiệu quả nữa. Sức khỏe suy sụp rõ rệt, không còn ăn được chỉ uống một ít sữa, các con ông bắt đầu túc trực lo hộ niệm.

Ngày 29 tháng 7 năm 1997, ông bảo con đi mời đồng đạo đến cầu an và hộ niệm cho ông ba đêm.

Sau ba đêm cầu an và hộ niệm đã xong xuôi. Sáng ngày mùng 2 tháng 8 năm 1997, tất cả thân nhân ở xa và bạn đạo từ giã ra về. Về chưa bao lâu, ông mở mắt ra hỏi cô Năm, biết được sự tình, ông liền bảo:

- “Thôi! Con chạy theo mời mấy anh em đồng đạo trở lại đây đi, cho Ba nói đôi lời từ giã, chiều nay Ba theo Phật!”

Cô ngần ngừ, ông hối thúc thêm một lần nữa cô mới chạy đi, lòng thì luôn phập phồng lo lắng, vì thấy rằng Ba mình tu hành bình thường quá mà…đâu có điểm gì nổi bật đâu. Hơn nữa, ông còn tỉnh táo và khỏe quá, ai cũng nhận định như vậy cả, vậy thì làm sao chết được! 

Khi đuổi theo kịp nhóm liên hữu Hai Bổn, Ba Long…cô lặp lại lời Ba mình và nói thêm:

- “Ba tui đã nói như vậy. Thôi! Các anh quay lại ngồi chơi với Ba tui một chút, cho ổng vui!”

Lúc mọi người tề tựu đông đủ con cháu thân thuộc và đồng đạo, có cả hai ông sui trai, đồng đạo Hai Bổn dùng tay nhấn nút chiếc máy ghi âm vừa mới mượn được, rồi cất tiếng hỏi:

- “Chú Sáu! Chú nói chiều nay chú về Phật, chú kêu mấy đứa con trở lại để cho chú nói lời từ giã! Mà có thiệt như vậy không?”

Ông đáp:

- “Ừ! Đúng như vậy!”

Hai Bổn lại hỏi:

- “Chú nói chiều nay chú về Phật! Mà lý do làm sao chú biết chú về Phật? Đức Phật, Đức Thầy báo cho chú biết ha gì?”

Ông đáp:

- “Đức Phật, Đức Thầy không có báo cho chú trực tiếp, mà chú tin tưởng vào sự liễu đạo của mình! Thành ra chú nói chú về Phật. Là 4, 5 giờ chiều nay chú sẽ về Phật!”

Cô con gái thứ Năm đến khều nhẹ Hai Bổn nói nhỏ:

- “Thôi! Anh Hai ơi! Đừng có thâu! Ba tui nói vậy mà lỡ hổng có, người ta cười chết!”

Hai Bổn đáp:

- “Có hay không gì thì tính sau! Tui giữ mà. Hổng sao đâu!”

Anh liền quay sang qua bên ông, hỏi tiếp:

- “Thông thường, người ta trước khi ra đi thường quyến luyến nhà cửa, vợ con…Còn chú trước khi ra đi thì như thế nào? Chú nói cho mấy đứa cháu biết coi!”

Ông liền mỉm cười rồi đáp:

- “Muôn sự vẫn hườn không! Chú ra đi không còn quyến luyến gia đình vợ con gì hết, cháu ơi!”

Hai Bổn hỏi thêm:

- “Vậy chú có nhắn nhủ gì với vợ con thân quyến ở lại điều gì không?”

Ông đáp:

- “Có! Chú nhắc nhở vợ con, thân quyến và mấy cháu ở lại ráng lo tu hiền, chăm chỉ niệm Phật, để nữa mình sẽ gặp nhau ở Tây Phương Cực Lạc. Mấy cháu hằng ngày ráng gìn giữ giới luật và ráng khuyến khích rộng ra cho mọi người biết thức tỉnh tu hành nghen mấy cháu!”

Hai Bổn nói:

- “Chú nói 4, 5 giờ chú mới đi! Thì thôi, dác này tụi con về! Chiều còn đi đám làm tuần, khoảng 2 giờ tụi con vô với chú!”

Ông đáp:

- “Ừ!”

Khi đồng đạo lần lượt ra về hết, lúc ấy gần 10 giờ trưa, cô Năm mới nói với ông:

- “Thôi! Bây giờ, con nấu nước tắm gội và thay quần áo cho Ba sạch sẽ nghen!”

Ông chấp thuận:

- “Ừ! Con tắm gội và thay quần áo cho Ba đi! Đúng 2 giờ chiều nay là Ba đi đó!”

Con ông giật mình, liền hỏi:

- “Hồi nãy sao Ba hứa với mấy ảnh là 4, 5 giờ chiều kia mà?”

Ông đáp:

- “Nói thì nói vậy! Chớ đúng 2 giờ là Ba đi! Chớ hông có 4, 5 giờ đâu!”

Sau khi tắm rửa xong, các con đứng xung quanh niệm Phật với ông. Đến 1 giờ 55 chiều, ông bảo con đỡ dậy để trình ngôi Cửu Huyền. Người con gái thứ Bảy và người con trai Út đồng đỡ ông dậy. Ông nhìn lên bàn thờ Cửu Huyền, rồi chầm chậm đưa mắt chuyển lên ngôi Tam Bảo, luôn nhép môi niệm Phật, giây lát khép hai mắt lại, hai tay xuôi theo thân mình, hơi thở chậm lại. Các con đỡ ông nằm xuống, ông tự sửa tay chân, rồi an tường trút hơi thở cuối cùng, không lộ một nét gì là thống khổ cả. Nhìn lại đồng hồ vừa đúng 2 giờ chiều, nhằm ngày mùng 2 tháng 8 năm 1997. Ông hưởng thọ 74 tuổi.

Sau sáu giờ hộ niệm, khám nghiệm tử thi thì thấy đỉnh đầu hãy còn ấm trong khi các nơi đều lạnh hẳn. Đặc biệt là gương mặt hết sức tươi vui, sáng đẹp lạ thường, các khớp xương mềm dịu. Rất nhiều người trong thôn chứng kiến sự vãng sanh của ông mà phát tâm trường chay tu hành rất đông.

Thuật theo lời Nguyễn Văn Mạnh, rể thứ Tư và cô Năm Phước, con gái của ông. 

Trích sách "Chuyện Vãng Sanh" - Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt. 

Tin trước

Phát nguyện ăn chay, tụng kinh Địa Tạng cứu mẹ khỏi bệnh

Tin tiếp

Bệnh “âm” có thật không?